Có nhiều điểm sáng
Kết quả khảo sát thường niên 15.000 khách hàng của Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo cho thấy, doanh thu trung bình năm 2023 của phần lớn cửa hàng sụt giảm trên 30% so với năm 2022 (chiếm tỷ lệ 28,5%). Tuy nhiên, trong bức tranh kinh tế khó khăn, biến động của năm 2023 vẫn còn nhiều điểm sáng lạc quan.
Thị trường bán lẻ 2024 khá lạc quan nhưng đầy thận trọng |
Điểm sáng lớn nhất của ngành bán lẻ năm 2023 là sự chuyển dịch sang mô hình kinh doanh bền vững hơn. Một số nhà bán hàng đã chuyển dịch từ mô hình cá nhân (không đăng ký kinh doanh) sang mô hình hộ kinh doanh cá thể hoặc công ty (giảm từ 35% năm 2022 còn 29% năm 2023).
Điểm sáng thứ hai là nhóm nhà bán hàng có doanh thu trung bình 2023 ở mức 500 triệu đến 1 tỷ và trên 2 tỷ đã tăng 3% so với năm 2022. Tuy giá trị đơn hàng trung bình có dấu hiệu sụt giảm (phổ biến ở mức dưới 300.000 đồng/đơn), nhưng nhóm có doanh thu cao trong ngành bán lẻ lại tăng lên. Điều này cho thấy một số nhà bán hàng đã áp dụng thành công chiến thuật mở rộng kinh doanh, bán thêm các sản phẩm mới và chuyển dịch sang tệp khách hàng có khả năng chi trả tốt hơn.
Điểm sáng thứ ba, một mô hình kinh doanh đang trở thành điểm nhấn là quán bida (Billiards). Thực tế cho thấy, người kinh doanh có sự đầu tư lớn về mặt cơ sở vật chất cho quán bida theo hướng tổ hợp giải trí, tạo chương trình gắn kết thân thiết với tệp khách hàng trẻ tuổi, làm nội dung sáng tạo và thời thượng.
Bên cạnh đó, số liệu khảo sát của Sapo còn cho thấy, xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh vẫn được thể hiện rõ rệt: 55,4% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh - tại cửa hàng và một số kênh online. Sàn thương mại điện tử tiếp tục là kênh bán hàng online được sử dụng nhiều nhất trong ngành bán lẻ.
“Bán hàng đa kênh được xác định là “cứu cánh" trong tình hình kinh tế nhiều biến động, giá thuê mặt bằng tại các thành phố lớn đang có sự trồi sụt thất thường, sự siết chặt quy định trên sàn thương mại điện tử lớn, sự thay đổi về thuật toán trên các mạng xã hội - ảnh hưởng đến quá trình tiếp thị, chào bán sản phẩm của ngành bán lẻ”, báo cáo của Sapo đưa ra.
Ngoài ra, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang chiếm lĩnh ngành bán lẻ. Chuyển khoản qua số tài khoản ngân hàng đứng Top 1 phương thức thanh toán được ưa chuộng của nhà bán hàng trên mạng xã hội, bán hàng trên website và bán hàng đa kênh.
Xu hướng 2024: Lạc quan nhưng đầy thận trọng
Trong số các nhà bán hàng tham gia khảo sát của Sapo, 75% nhà bán hàng đặt kỳ vọng thị trường năm 2024 sẽ có sự phục hồi và tăng trưởng.
Trong ngành bán lẻ, dự định phổ biến nhất của nhà bán hàng là mở rộng kênh bán (29,37%) lên các kênh mạng xã hội như facebook, zalo (27,07%); tiếp sau đó là các sàn thương mại điện tử (21,96%) và TikTok Shop (20,66%).
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh chính trị thế giới biến động khó lường, tình hình kinh tế trong nước có nhiều yếu tố không thuận lợi, ngành bán lẻ đang chịu những tác động nặng nề. Nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhà bán hàng trên cả nước, cùng sự phát triển không ngừng của công nghệ hỗ trợ trong lĩnh vực quản lý, thanh toán, vận chuyển, ngành bán lẻ và FnB (ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống) ghi nhận những dấu hiệu tích cực từ quý IV/2023; nhiều nhà bán hàng thể hiện niềm tin tích cực vào tình hình kinh doanh năm 2024.
Ghi nhận ý kiến từ các nhà bán hàng, Sapo đưa ra dự đoán ba xu hướng sẽ dẫn đầu ngành bán lẻ trong năm 2024, bao gồm: Thứ nhất, mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến.
Trong những năm gần đây, bán hàng đa kênh đang thể hiện ưu thế về hiệu quả doanh thu và chi phí tiếp thị. Theo xu hướng chung, nhà bán hàng sẽ đẩy mạnh mở rộng kênh bán để giảm bớt áp lực chi phí trên một kênh.
Hai là, shoppertainment & Edutainment (mua sắm, người mua sắm và giải trí) là xu hướng không thể bỏ qua trong ngành bán lẻ. Mua sắm tích hợp với trải nghiệm giải trí, sáng tạo nội dung số mang tính chất giáo dục sẽ đi kèm với tiếp thị sản phẩm. Người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu coi việc mua sắm là hoạt động giải trí. Nhà bán hàng không chỉ thuyết phục được khách hàng xuống tiền nhờ công năng sản phẩm mà còn dựa vào các hình thức tiếp thị sáng tạo, hấp dẫn, thu hút. Mặt khác, nội dung tiếp thị sản phẩm ngày càng cần gia tăng hàm lượng chất xám, mang tính chất giáo dục và cung cấp thông tin hữu ích cho người tiêu dùng.
Ba là, hình thức thanh toán qua mã QR sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong số hình thức thanh toán không tiền mặt. Các doanh nghiệp công nghệ như Sapo sẽ phối hợp chặt chẽ với mảng bán lẻ của các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính để bắt nhịp xu hướng thanh toán của thị trường, đưa ra giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nhà bán hàng và người mua hàng.
Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bán lẻ, FnB thuộc số ít các ngành có thể duy trì đà tăng trưởng bởi chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa của Chính phủ. Những yếu tố thuận lợi của ngành bán lẻ và FnB rất cần sự chủ động phát huy từ các nhà bán hàng để thu được hiệu quả doanh thu cao nhất.
Tận dụng thế mạnh của từng kênh bán hàng, nhạy bén với thị trường, bắt kịp xu hướng đồng thời ứng dụng công nghệ để tiết kiệm nhân lực và chi phí... là những cách thức hỗ trợ nhà bán hàng trong ngành bán lẻ tiếp tục tăng trưởng kinh doanh năm tới.
Nguồn: congthuong.vn